Như mọi người đã biết, sản xuất phần mềm là một trong những ngành nghề kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế Thu nhập Doanh nghiệp gần như mức cao nhất gồm:
(i)10% trong vòng 15 năm kể từ khi có doanh thu
(ii)4 năm miễn (100%) và 9 năm giảm (50%) kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Tuy nhiên, trên thực tế, liệu có phải tất cả các doanh nghiệp sản xuất phần mềm với nội dung đăng ký kinh doanh thường là mã ngành 6201 đều được hưởng ưu đãi thuế và sẽ bị chất vấn gì bởi cơ quan thuế trong các cuộc thanh kiểm tra thuế trong tương lai?
Với kinh nghiệm làm việc với các đoàn thanh, kiểm tra trong rất nhiều cuộc kiểm tra chuyên ngành đối với ưu đãi thuế sản xuất phần mềm, mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm nhằm giúp các anh/chị/bạn có thể nhìn lại tình trạng kê khai thuế, đáp ứng ưu đãi thuế của lĩnh vực sản xuất phần mềm.
Đầu tiên, Công ty cần kiểm tra sản phẩm phần mềm của Công ty đang thực hiện sản xuất và/hoặc phát triển có nằm trong Phụ lục 01 của Thông tư 20/2021/TT-BTTTT ngày 03/12/2021
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Circular-20-2021-TT-BTTTT-amendment-to-Circular-09-2013-TT-BTTTT-issuing-the-list-of-software-540189.aspx?tab=1
Sản phẩm phần mềm này có thể là sản phẩm mà Công ty tiến hành phát triển hoàn chỉnh, hoặc chỉ tham gia một số công đoạn phát triển (như một số Công ty con ở Việt Nam chỉ tham gia phát triển sản xuất phần mềm của Công ty mẹ). Trong các cuộc thanh, kiểm tra thuế, Cơ quan thuế cũng thường đưa ra các câu hỏi về sản phẩm phần mềm được phát triển bởi Công ty để chất vấn sâu hơn về các vấn đề:
(i) Sản phẩm này sử dụng ở nước ngoài hay ở Việt Nam
(ii) Bản quyền phần mềm thuộc về ai
(iii) Sản phẩm này được phân phối cho Công ty khách hàng (Có thể là khách hàng của Công ty con Việt Nam hoặc khách hàng của Công ty mẹ) theo hình thức nào.
Tiếp theo, Cơ quan thuế thường sẽ yêu cầu Công ty thực hiện cung cấp Quy trình sản xuất phần mềm để xem thử Phần mềm mà Công ty cung cấp có đáp ứng các Công đoạn theo quy định tại Thông tư 13/2020/TT-BTTTT. Mình có cung cấp dịch vụ tư vấn về Quy trình sản xuất phần mềm.
Sau đó, cơ quan thuế sẽ phỏng vấn trực tiếp nhân sự tham gia phát triển phần mềm và xem xét các chứng từ sau:
1. Hợp đồng phát triển/sản xuất phần mềm.
2. Biên bản nghiệm thu/thanh lý sản xuất phần mềm.
3. Hóa đơn GTGT/thương mại
4. Các chứng từ chứng minh đến việc sản xuất và bàn giao sản phẩm.
Sau đây là các vấn đề từ cơ bản đến phức tạp mà mình đã từng gặp trong các cuộc thanh/kiểm tra thuế về vấn đề ưu đãi thuế:
1. Hợp đồng ký với khách hàng thường đề cập dịch vụ phần mềm/dịch vụ sản xuất phần mềm và một số cán bộ thuế có quan điểm và xem xét hoạt động kinh doanh của Công ty là sản xuất phần mềm hay là dịch vụ phần mềm. Dù chỉ là “wordings”, “câu chữ” nhưng nếu không có sự xem xét, chuẩn bị kỹ càng, Doanh nghiệp có thể dễ bị “chất vấn” về bản chất của hoạt động và thể hiện của Hợp đồng.
2. Xem xét bản chất sản phẩm làm ra bởi Công ty và cung cấp cho khách hàng có thỏa mãn sản xuất phần mềm. Ví dụ: Một số doanh nghiệp thiết kế web, vẽ tranh minh họa, thiết kế mạch, thiết kế đồ họa, v.v… hoặc sản phẩm đầu ra xét về bản chất không phải là phần mềm.
3. Mã ngành Công ty đăng ký thực hiện hoạt động sản xuất phần mềm có phù hợp theo quy định của pháp luật. Về điểm này, mọi người có thể tham khảo Công văn 42616/CT-HTr ngày 24/06/2016 của Cục thuế Hà Nội có đưa ra quan điểm như sau:
• Đối với thu nhập từ hoạt động “Lập trình máy vi tính”: được áp dụng ưu đãi thuế TNDN.
• Đối với hoạt động “Tư vấn máy tính và quản trị hệ thống máy tính (CPC 8421)” và “Hoạt động dịch vụ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính (CPC 8499)” không được xác định là sản xuất sản phẩm phần mềm, Công ty không được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động này.
Về định nghĩa thế nào là “dịch vụ phần mềm”, mọi người có thể xem quy định tại Khoản 3, Điều 9, Nghị Định 71/2007/NĐ-CP:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/71-2007-ND-CP-80653.aspx?tab=1
4. Xem xét bản chất hoạt động của Công ty, hợp đồng với khách hàng và diễn giải hóa đơn. Một số công ty có thể bị chất vấn nếu sản xuất phần mềm nhưng lại tính phí bản quyền theo năm/tháng cho khách hàng thì có thể bị xem là “cho thuê phần mềm” và không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.
https://mof.gov.vn/hoidapcstc/home/cthoidap/81594
5. Các trường hợp khác mà mình từng gặp trên thực tế như: Công ty sản xuất trò chơi điện tử và phân phối trên nền tảng bị cơ quan thuế chất vấn về hoạt động này có được xem là sản xuất phần mềm hay không vì doanh thu của Công ty được trả bởi nền tảng trực tuyến.
Chất vấn liên quan đến doanh thu của Công ty trong những giai đoạn đầu/năm đầu mới thành lập có thực sự liên quan đến sản xuất phần mềm hay chỉ liên quan đến đào tạo, tìm hiểu sản phẩm.
6. Quy trình của Công ty có đáp ứng các công đoạn quy định cho sản xuất phần mềm theo quy định của Thông tư 13/2020/TT-BTTT
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Circular-13-2020-TT-BTTTT-procedural-compliance-of-software-product-manufacturing-operations-448831.aspx?tab=1
Để tư vấn chính xác về hoạt động “sản xuất phần mềm” của khách hàng có đủ điều kiện ưu đãi thuế hay không, bên mình/cá nhân mình sẽ thực hiện các nghiệp vụ sau:
– Đọc và xem xét kỹ hợp đồng sản xuất, cung cấp phần mềm, dịch vụ phần mềm mà Công ty đã ký kết với khách hàng.
– Phỏng vấn nhân sự trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất phần mềm để tìm hiểu về sản phẩm phần mềm của Công ty cũng như các công đoạn sản xuất phần mềm.
– Sau khi phỏng vấn, bên mình/cá nhân mình sẽ thực hiện hỗ trợ soạn thảo Quy trình sản xuất và nhân sự phụ trách sẽ xem lại bản soạn thảo để chỉnh sửa nội dung cho phù hợp hơn.
– Tư vấn Công ty chuẩn bị các chứng từ khác như sửa đổi hợp đồng, chuẩn bị thêm biên bản nghiệm thu, xác nhận hoàn thành công việc để hỗ trợ chứng minh việc sản xuất phần mềm thực tế có diễn ra và Công ty có thể đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi thuế TNDN cũng như hoàn thuế GTGT.
– Tư vấn chuyên sâu về cách xử lý thuế, kê khai thuế, phân bổ thuế nếu Công ty vừa có doanh thu áp dụng thuế suất 0% vừa áp dụng thuế suất 10%, không chịu thuế.
Hy vọng bài viết khá đầy đủ, chi tiết của mình sẽ giúp ích các anh/chị/em đang làm công tác kế toán tại Doanh nghiệp sản xuất phần mềm.
Nếu mọi người quan tâm đến dịch vụ tư vấn thuế liên quan đến sản xuất phần mềm có thể liên hệ với mình qua linkedin.