Kê Khai Hóa Đơn GTGT Đầu Vào Thế Nào?
Vừa qua, Cục thuế Nghệ An và Cục thuế Bắc Ninh có ban hành Công văn 4906 mà các bạn có thể tìm đọc ở đây:
https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-tuc/huong-dan-to-khai-bo-sung-ho-so-khai-thue-gtgt-8348
Theo đó, trong hướng dẫn của Công văn này có đoạn:
“Hóa đơn GTGT đầu vào các kỳ trước bị sai, sót chưa kê khai thì người nộp thuế được nộp hồ sơ khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế có sai, sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019, kê khai bổ sung vào kỳ kê khai (tháng, quý) tương ứng với thời điểm phát sinh hóa đơn.”
Do đoạn trên nên có khá nhiều ý kiến cho rằng, hóa đơn đầu vào sai sót, chưa kê khai phải thực hiện khai bổ sung ở kỳ phát sinh của hóa đơn đó thay vì khai bổ sung ở kỳ phát hiện ra sai sót.
Dựa vào các quy định sau đây:
Tại khoản 8, Điều 14, Thông tư 219/2013/TT-BTC có quy định về nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào “Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.”
Khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:
“Trường hợp khai bổ sung chỉ làm tăng hoặc giảm số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau thì phải kê khai vào kỳ tính thuế hiện tại. Người nộp thuế chỉ được khai bổ sung tăng số thuế giá trị gia tăng đề nghị hoàn khi chưa nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế tiếp theo và chưa nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế.”
Căn cứ vào các quy định trên, theo hướng thận trọng thì mình nghĩ rằng nên kê khai thuế GTGT được khấu trừ đúng kỳ phát sinh và làm theo hướng dẫn của Công văn 4906 quay về điều chỉnh kỳ bị ảnh hưởng và sau đó điều chỉnh vào chỉ tiêu [37] hoặc [38] của kỳ hiện tại.
Tuy nhiên, trên thực tế, liệu rằng phương án trên có khả thi hay không vì sẽ có những vấn đề như sau:
1/ Về mặt lý thuyết, kế toán có thể có dữ liệu của tất cả các hóa đơn điện tử DN mua trong kỳ có mã của cơ quan thuế cấp để kê khai. Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp như: Bên bán xuất sai MST/nhầm lẫn MST của bên mua, nhân viên công ty đi mua hàng tự lấy MST của Công ty để xuất mà không báo lại hoặc không xin hoàn lại tiền.
2/ Các hóa đơn không mã của CQT nhà cung cấp có thể gửi chậm.
Nếu kế toán dựa hoàn toàn vào dữ liệu của web hoadondientu để thì rủi ro đưa vào khấu trừ các hóa đơn không thực sự phát sinh, không hợp pháp và hợp lệ là rất lớn.
Do đó, theo ý kiến của mình thì cách làm phù hợp hơn là kê khai các hóa đơn bỏ sót vào kỳ phát hiện ra sai sót nhưng trước khi có quyết định thanh kiểm tra thuế.
Ngoài ra, mình có tìm thấy công văn của Tổng cục thuế có đưa ra ý kiến vẫn chấp nhận DN kê khai bổ sung hóa đơn đầu vào:
https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Thue-Phi-Le-Phi/Cong-van-3059-TCT-KK-2022-ke-khai-thue-gia-tri-gia-tang-526821.aspx
“Căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp Công ty TNHH Đà Lạt Hasfarm kê khai bổ sung một số hóa đơn GTGT hàng hóa, dịch vụ mua vào (phát sinh từ tháng 01/2021 đến tháng 9/2021) vào kỳ tính thuế tháng 10, tháng 11/2021 trước khi Cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thì thực hiện theo quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.”